Chưa đề xuất cho lặn biển tại khu bảo tồn Hòn Mun từng bị tẩy trắng
Trưởng ban Quản lý (BQL) vịnh Nha Trang khẳng định chưa có đề xuất nào về việc mở lại dịch vụ lặn biển tại khu vực Hòn Mun như các thông tin đã đưa.
Ngày 21.8, trao đổi với Thanh Niên, ông Huỳnh Bình Thái, Trưởng BQL vịnh Nha Trang cho biết, thông tin về việc ban này có đề xuất mở lại điểm lặn biển ở khu vực Hòn Mun là không chính xác.
Theo ông Thái, mới đây, đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Khánh Hòa có giám sát về việc phục hồi khu bảo tồn biển Hòn Mun, sau đó một số doanh nghiệp có đề xuất mở lại dịch vụ lặn biển.
Tuy nhiên, việc có mở lại hay không dịch vụ lặn biển tại khu bảo tồn này thì phải căn cứ vào kết quả đánh giá, khảo sát của các nhà khoa học và các cơ quan chuyên môn, khi tình hình thực tế phù hợp hoặc kiểm soát tốt thì ban sẽ có hướng đề xuất. “Còn hiện nay, ban chưa có một văn bản đề xuất nào với TP.Nha Trang về việc mở lại dịch vụ lặn biển tại khu vực Hòn Mun”, ông Thái Khẳng định.
Ông Thái cho biết thêm, theo đề xuất của doanh nghiệp, hiện nay ban đang nghiên cứu cho mở một điểm lặn trước Hòn Mun – khu vực chưa bị ảnh hưởng và có thể cho phép các hoạt động vui chơi giải trí, trong đó có lặn biển. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là đề xuất và còn phải chờ ý kiến từ các cơ quan chức năng khảo sát, đánh giá mới có cơ sở.
Cách đây 1 năm, hệ sinh thái và các rạn san hô tại khu bảo tồn biển Hòn Mun, nằm trong vịnh Nha Trang bị tàn phá nghiêm trọng, nhiều khu khu vực bị tẩy trắng. Nguyên nhân được cho là xuất phát từ thiên nhiên và cả con người.
Sau đó, BQL vịnh Nha Trang đã tạm dừng các hoạt động bơi, lặn biển, tàu và thúng đáy kính trong vùng nước đảo Hòn Mun từ tháng 6.2022, hiện vẫn đang tiếp tục dừng. Trong thời gian này, bố trí lặn tạm thời tại khu vực đông bắc Hòn Rơm với số lượng khách hạn chế do BQL sắp xếp.
PGS.TS Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang nhận định, rạn san hô mất hàng triệu năm để hình thành. Khi đã bị tàn phá thì cần ít nhất thời gian từ 5 – 6 năm trở lên mới có thể khôi phục, phát triển một phần.
“Phát triển du lịch biển phải có lặn biển và hoạt động này sẽ mang lại lợi ích về kinh tế cho địa phương. Tuy nhiên, cơ quan chức năng phải có biện pháp kiểm soát, quản lý chặt chẽ để vừa bảo tồn vừa có thể phát huy giá trị về kinh tế mà rạn san hô đem lại”, ông An khuyến cáo.
Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa bao gồm các đảo như: Hòn Tre, Hòn Miễu, Hòn Tằm, Hòn Một, Hòn Mun, Hòn Cau, Hòn Vung… và vùng nước xung quanh.
Hòn Mun với rạn san hô và hệ sinh vật biển đa dạng, phong phú là khu bảo tồn biển đầu tiên và duy nhất của Việt Nam hiện nay, đã được Quỹ động vật hoang dã thế giới (WWF) đánh giá là khu vực đa dạng sinh học biển bậc nhất ở Việt Nam, đặc biệt rất phong phú về san hô, hiện tại đã phát hiện được khoảng 350 loài.